Emily trên dải cầu vồng
Phan_18
“Tớ có cảm giác mình đã lang thang – ở một nơi nào đó – suốt hàng bao nhiêu giờ liền,” cô nói. “Và tớ mơ thấy tớ đã tìm ra bé Allan… chỉ có điều tớ không biết là ở chỗ nào. Thật kinh khủng biết nhường nào khi tớ thức dậy, canh cánh trong lòng cái cảm giác ngay trước khi thức dậy tớ đã biết điều đó nhưng rồi lại quên đi mất.”
“Tớ ngủ say như chết ấy,” Ilse vừa nói vừa ngáp. “Thậm chí tớ còn chẳng mơ mộng gì sất. Emily, tớ chỉ muốn tránh xa ngôi nhà này, tránh xa cái chỗ này sớm chừng nào hay chừng đấy. Tớ cứ có cảm giác như mình đang lạc trong một cơn ác mộng ấy… như thể có một thứ kinh khủng nào đó đã khác… giúp đỡ theo bất kỳ cách này đấy. Nhưng vì chẳng thể làm được gì nên tớ chỉ muốn trốn thoát khỏi nó thôi. Tớ đã quên nó đi được một lúc, khi bà cụ ấy kể chuyện… cái bà già đến là nhẫn tâm! Bà ấy chẳng buồn lo lắng xíu xíu nào cho cậu bé Allan đáng thương đang bị mất tích.”
“Tớ nghĩ bà ấy đã thôi lo lắng từ lâu lắm rồi,” Emily mơ màng nói. “Bởi vậy nên người ta mới bảo bà ấy không tỉnh táo. Những người không lo lắng gì cả thì có bao giờ là người tỉnh táo đâu – giống như bác Jimmy ấy. Nhưng đó là một câu chuyện xuất sắc. Tớ sẽ dùng nó làm tư liệu viết tiểu luận đầu tiên của tớ… và sau này tớ sẽ cố gắng để nó được xuất bản. Tớ tin chắc nó sẽ là một bản thảo tuyệt vời đối với một số tạp chí, miễn là tớ có khả năng nắm bắt được hương vị và màu sắc rực rỡ đã được bà ấy rót vào câu chuyện. Có lẽ tớ phải ngay lập tức ghi vào cuốn sổ Jimmy một vài cách diễn đạt bà ấy đã sử dụng kẻo quên mất.”
“Ôi chao ơi, cái cuốn sổ Jimmy chết tiệt của cậu!” Ilse nói, “Mặc kệ nó đi… ăn cho xong bữa sáng nếu chúng ta không tránh được… rồi rời xa chỗ này thôi.”
Nhưng, một lần nữa chìm đắm trong thiên đường người kể chuyện của cô, Emily nhất thời quên hết sạch sành sanh những chuyện khác.
“Cuốn sổ Jimmy của tớ ở đâu rồi nhỉ?” cô sốt ruột nói. “Trong túi xách của tớ không thấy… tớ biết chắc tối qua nó vẫn còn ở trong này mà. Chắc chắn tớ đã không để nó lại trên cái cột cổng đó!”
“Không phải nó nằm trên bàn sao?” Ilse hỏi.
Emily thất thần nhìn nó.
“Không thể thế được… nó ở đó thật… làm sao nó lại ở đó được chứ? Tớ biết chắn chắn tối qua tớ không lấy nó ra khỏi túi xách mà.”
“Hẳn là cậu phải làm thế rồi,” Ilse hờ hững nói.
Emily bước đến bên bàn, vẻ hoang mang. Cuốn sổ Jimmy đang nằm lật mở trên bàn, bên cạnh là cây bút chì của cô. Đột nhiên ánh mắt cô rơi vào một cái gì đó trên trang giấy. Cô cúi người về phía trang giấy.
“Sao cậu không nhanh nhanh chải xong tóc đi?” Ilse chất vấn mấy phút sau đó. “Tớ đã sẵn sang rồi đây này… thương tớ chút đi, xin cậu dứt ra khỏi cái cuốn sổ Jimmy thần thánh đó một lát để mặc quần áo đi được không!”
Emily xoay người lại, hai tay nắm chặt cuốn sổ Jimmy. Mặt cô tái nhợt, đôi mắt tối đen tràn ngập nỗi sợ hãi và nét bí hiểm.
“Ilse, nhìn xem này,” cô nói bằng giọng run rẩy.
Ilse ngả người vế phía cuốn sổ Jimmy và nhìn xuống trang giấy đang được Emily chìa ra trước mặt cô. Bên trên trang giấy là một bức phác thảo bằng bút chì, được vẽ một cách không chê vào đâu được, phác hình ngôi nhà nhỏ bên bờ sông từng thu hết hồn vía Emily ngày hôm trước. Một hình chữ thập màu đen được đánh dấu trên ô cửa sổ nhỏ phía trên cửa ra vào và đối diện với nó, bên mép cuốn sổ Jimmy, cạnh một dấu chữ thập khác, là dòng chữ:
“Alan Bradshaw ở đây.”
“Như thế có nghĩa là gì vậy?” Ilse hào hển.” Ai đã vẽ vậy?”
“Tớ… không biết,” Emily lắp bắp. “Chữ viết tay… là của tớ.”
Ilse nhìn Emily và hơi lùi lại phía sau.
“Chắc hẳn cậu đã vẽ nó trong lúc ngủ,” cô nói giọng sửng sốt.
“Tớ không biết vẽ,” Emily nói.
“Còn có ai khác vẽ nó được cơ chứ? Phu nhân McIntyre thì không thể… cậu biết thừa bà ấy không thể. Emily, tớ chưa bao giờ nghe nói đến chuyện gì lạ kỳ đến thế này. Cậu có nghĩ… cậu có nghĩ… cậu bé ấy có thể ở đó không?”
“Làm sao có thể chứ? Ngôi nhà ắt hẳn đã bị khóa lại rồi… giờ có ai làm việc ở đó đâu. Với lại, ắt hẳn người ta đã lùng sục khắp chỗ đó rồi… cậu bé sẽ nhìn ra ngoài cửa sổ… chớp cửa không đóng, cậu nhớ mà… và réo gọi… người ta sẽ nhìn thấy… nghe thấy… cậu ấy. Có lẽ tớ đã vẽ bức hình này trong lúc ngủ… mặc dù tớ không thể hiểu nổi tớ làm thế bằng cách nào… bởi vì tâm trí tớ tràn ngập những suy nghĩ về cậu bé Allan. Kỳ lạ quá… chuyện này làm tớ sợ run lên rồi.”
“Cậu phải đưa nó cho gia đình Bradshaw xem mới được,” Ilse nói.
“Có lẽ vậy… nhưng tớ không thích thế tí nào. Rất có thể nó sẽ lại khiến họ trào dâng một niềm hy vọng giả tạo tàn ác… và ở trong đó chẳng thể có bất kỳ thứ gì được. Nhưng tớ không dám đánh liều không chỉ nó cho họ xem. Cậu phải đưa nó cho họ… tớ không thể làm được, chẳng hiểu sao nữa. Chuyện đó khiến tớ bứt rứt quá… tớ thấy sợ lắm… thật trẻ con… tớ sắp ngồi xuống khóc òa lên đến nơi rồi. Nếu cậu bé ấy đúng là đã ở đó… kể từ thứ Ba… cậu ấy sẽ chết đói mất.”
“Ôi chao, họ sẽ biết thôi… tất nhiên tớ sẽ đưa nó cho họ xem. Nếu hóa ra chuyện đúng là như vậy… Emily, cậu đúng là người huyền bí.”
“Đừng nhắc đến chuyện đó… tớ không thể chịu nổi chuyện đó đâu,” Emily nói, run bắn lên.
Khi hai cô gái bước vào bếp, bên trong vắng tanh, nhưng ngay sau đó, một người đàn ông trẻ tuổi tiến vào… có vẻ như chính là bác sĩ McIntyre đã được bà Holllinger nhắc đến. Ông có vẻ mặt khôi ngô, thân thiện, đôi mắt sắc sảo ẩn sau cặp kính, nhưng trông ông có vẻ mệt mỏi và ủ rũ.
“Xin chào,” ông nói. “Hy vọng các cháu nghỉ ngơi thoải mái và không bị làm phiền gì hết. Tất nhiên ở đây chúng ta ai cũng đều lo lắng rầu rĩ cả.”
“Họ vẫn chưa tìm thấy cậu bé sao ạ?” Ilse hỏi.
Bác sĩ McIntyre lắc đầu.
“Chưa. Họ đã từ bỏ nỗ lực tìm kiếm rồi. Thằng bé chẳng thể sống sót được… sau đêm thứ Ba và đêm qua. Đầm lầy không từ bỏ kẻ đã chết trong tay nó đâu… chú cảm thấy chắc chắn thằng bé đang ở đó. Người chị tội nghiệp của chú đang đau khổ lắm. Chú rất tiếc vì đúng lúc các cháu đến thăm trong nhà lại xảy ra chuyện buồn như thế này, nhưng chú hy vọng bà Hollinger đã giúp các cháu thấy thoải mái. Bà nội McIntyre sẽ thấy bị xúc phạm ghê lắm nếu các cháu thiếu thốn bất cứ thứ gì. Hồi còn trẻ bà nổi tiếng là người hiếu khách. Chú đoán các cháu vẫn chưa gặp bà. Bà thường không hay xuất hiện trước mặt người lạ.”
“Ồ, chúng cháu đã gặp bà rồi ạ,” Emily lơ đãng nói. “Sáng nay bà đã vào phòng chúng cháu và kể cho chúng cháu nghe chuyện bà đét mông đức vua.”
Ông McIntyre bật cười.
“Vậy thì các cháu vinh dự lắm đấy. Không phải với ai bà nội cũng kể cho nghe chuyện đó đâu. Bà mang khí chất của người Thủy Thủ Xưa[1] và biết rõ ai là người được số phận định trước sẽ là thính giả. Bà có chút kỳ lạ. Vài năm trước người con trai được bà yêu quý nhất, cậu Neil của chú, đã qua đời ở Klondyke trong một tình huống đáng buồn. Cậu ấy là nhân viên trong Đội Tuần tra người mất tích. Cú sốc đó khiến bà nội không sao gượng dậy nổi. Kể từ đó bà chẳng bao giờ có cảm xúc trước bất cứ vấn đề gì nữa… dường như mọi cảm xúc trong bà đều đã bị giết chết rồi. Bà chẳng yêu chẳng ghét mà cũng chẳng sợ hãi hay hy vọng gì… toàn bộ cuộc sống của bà đều chìm đắm trong quá khứ và bà chỉ trải nghiệm một cảm xúc duy nhất – niềm kiêu hãnh sâu sắc rằng trên thực tế bà đã từng đét mông đức vua. Nhưng chú đang trì hoãn bữa sáng của các cháu rồi… rồi bà Hollinger sẽ quở trách chú vì chuyện này cho xem.”
[1] Trong tác phẩm The Rime of the Ancient Mariner (Bài thơ của người Thủy Thủ Xưa) (được viết khoảng năm 1797-98), nhà thơ Anh Samuel Taylor Coleridge đã kể lại những trải nghiệm của một thủy thủ quay trở về sau hành trình dài trên biển. Người Thủy Thủ đã ngăn một vị khách đang trên đường tham dự đám cưới và bắt đầu kể một câu chuyện, và theo diễn tiến câu chuyện, người Khách Dự Đám Cưới này đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc kinh ngạc, sốt ruột, sợ hãi, mê say…
“Xin hãy đợi một chút, bác sĩ McIntyre,” Ilse vội nói. “Cháu… chú… chúng cháu… có một thứ cháu muốn chỉ cho chú xem.”
Bác sĩ bối rối cúi người nhìn xuống cuốn sổ Jimmy.
“Cái gì thế này? Chú không hiểu…”
“Chúng cháu cũng không hiểu… Emily đã vẽ nó trong lúc ngủ.”
“Trong lúc ngủ?” Bác sĩ McIntyre hoang mang quá độ đến nỗi chỉ biết lặp lại như một con vẹt.
“Hẳn là phải thế ạ. Nào có ai khác đâu ạ… trừ phi bà nội của chú biết vẽ.”
“Không đâu. Mà bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy ngôi nhà này… đây là ngôi nhà nghỉ mát của nhà Scobie phía dưới cầu Malvern đúng không?”
“Vâng ạ. Chúng cháu đã nhìn thấy nó ngày hôm qua.”
“Nhưng Allan không thể ở chỗ đó được… ngôi nhà đã bị khóa cửa từ một tháng nay rồi… từ hồi tháng Tám cánh thợ mộc đã đi khỏi đó rồi.”
“Ôi… cháu biết thế,” Emily lắp bắp. “Trước khi đi ngủ, cháu đã suy nghĩ rất nhiều về Allan… cháu đoán đây chỉ là một giấc mơ thôi… cháu chẳng tài nào hiểu được… nhưng chúng cháu phải đưa cho chú xem.”
“Tất nhiên rồi. Chà, chú sẽ không nói gì với Will hay Clara đâu. Chú sẽ gọi cho Rob Mason ở bên kia đồi sang và bọn chú sẽ chạy xuống chỗ ngôi nhà nghỉ mát đó ngó nghiêng xem sao. Sẽ thật kỳ quái nếu… nhưng không thể có khả năng đó được. Chú không biết bọn chú sẽ vào trong nhà bằng cách nào nữa. Cửa ra vào bị khóa và các cửa sổ cũng đều sập cửa chớp xuống rồi.”
“Cái cửa sổ này… bên trên cửa ra vào… thì không đâu ạ.”
“Không ư… nhưng đó là cửa sổ phòng kho ở cuối hành lang trên tầng mà. Hồi tháng Tám, khi cánh thợ sơn đang làm việc ở đó, chú đã đi quanh căn nhà rồi. Phòng kho được khóa bằng khóa lò xo, có lẽ chính vì vậy nên họ không lắp cửa chớp cho cửa sổ đó. Theo chú nhớ thì cửa khá cao đấy, sát với tràn nhà rồi. Chà, chú sẽ tới chỗ Rob và nhìn ngó quanh nơi này xem sao. Dù chỉ có chút xíu khả năng thôi thì vẫn cứ phải xới tung từng tấc đất lên mới được.”
Emily và Ilse cố ăn cho xong bữa sáng, thầm tạ ơn trời đất vì bà Hollinger chỉ bình luận vài câu lúc mới bước vào phòng, sau đó đã lo công việc của mình, để mặc hai cô muốn làm gì thì làm.
“Đêm qua đến là khủng khiếp… nhưng mưa đã tạnh rồi. Ta chẳng chợp mắt được chút nào. Clara đáng thương cũng vậy, nhưng giờ cô ấy bình tĩnh hơn… có phần đã mất hết hy vọng rồi. Ta thấy lo cho tinh thần cô ấy đấy… bà nội của cô ấy chẳng bao giờ tỉnh táo lại được sau khi nghe tin con trai cụ ấy chết. Khi Clara nghe nói người ta không tiếp tục tìm kiếm nữa, cô ấy chỉ gào lên một lần rồi nằm xuống giường, quay mặt vào tường… kể từ lúc đó chẳng hề nhúc nhích gì hết. Vậy đấy, với người khác thì trái đất vãn cứ quay như thường thôi. Các cháu tự mình phục vụ ăn uống nhé. Ta khuyên các cháu đừng có quá vội lên đường, cứ chờ cho gió hong khô bùn đi chút đã.”
“Cháu sẽ không đi cho tới chừng nào còn chưa tìm hiểu được…” Ilse mập mờ thì thầm.
Emily gật đầu. Cô chẳng thể nuốt nổi thứ gì, và nếu bây giờ bác Elizabeth hay bác Ruth mà nhìn thấy cô thì thể nào cũng bắt cô phải lên giường ngay lập tức và ra lệnh cho phải ở yên đó cho xem… và họ có làm thế thì cũng đúng thôi. Cô sắp không trụ nổi nữa rồi. Bác sĩ McIntyre mới khởi hành được một tiếng đồng hồ nhưng dường như đã là cả thế kỷ. Đột nhiên họ nghe thấy tiếng kêu lanh lảnh của bà Hollinger, lúc này đang rửa xô đựng sữa ở cái ghế băng bên ngoài cửa bếp. Một phút sau, bà lao vào bếp, theo sau là bác sĩ McIntyre, vốn thở không ra hơi sau khi chạy như điên từ cầu Malvern về.
“Trước hết phải báo cho Clara đã,” ông nói. “Chị ấy có quyền được biết.”
Ông biến mất vào phòng trong. Bà Hollinger ngồi phịch xuống ghế, vừa khóc vừa cười.
“Họ đã tìm thấy thằng bé… họ đã tìm thấy bé Allan… trên sàn nhà phòng kho ở hành lang… trong ngôi nhà nghỉ mát của Scobie!”
“Cậu ấy… còn… sống… chứ ạ?” Emily hổn hển hỏi.
“Vẫn còn, nhưng không lâu đâu… nó thậm chí còn chẳng nói năng gì được… nhưng bác sĩ bảo nó sẽ hồi phục sau khi được chăm sóc thôi. Họ đã đưa nó đến ngôi nhà gần nhất… bác sĩ chỉ kịp nói cho ta biết vậy thôi.”
Một tiếng kêu mừng rỡ hoang dại bật ra từ phòng ngủ… và Clara Bradshaw, môi tái nhợt, tóc xõa xượi nhưng đôi mắt sáng long lanh bừng cháy niềm sung sướng vô ngần, lao xuyên qua phòng bếp… chạy ra ngoài băng qua đồi. Bà Hollinger chộp lấy áo choàng đuổi theo sau. Bác sĩ McIntyre ngồi sụp xuống ghế.
“Chú không ngăn chị ấy lại được… và chú chẳng còn hơi sức đâu mà chạy thêm trận nữa… nhưng vui quá cũng chẳng chết người được. Mà dẫu chú có thể thì cũng thật tàn nhẫn nếu ngăn cản chị ấy.”
“Bé Allan vẫn ổn chứ?” Ilse hỏi.
“Nó sẽ ổn thôi. Thật ra thằng bé đáng thương đã kiệt quệ lắm rồi. Nó sẽ chẳng thể trụ nổi nếu chậm chễ thêm một ngày nữa. Bọn chú đã mang nó đến ngay chỗ bác sĩ Matheson ở gần cầu và để nó lại đó cho ông ấy chăm sóc. Trước ngày mai thì thằng bé vẫn chưa đủ khỏe để được đưa về nhà đâu.”
“Các chú có đoán được làm sao cậu ấy lại đến chỗ đó khôngạ?”
“Chà, tất nhiên thằng bé chẳng nói gì được với bọn chú, nhưng có lẽ chú biết chuyện đã xảy ra như thế nào. Bọn chú phát hiện ra cửa sổ tầng hầm mở hé khoảng hơn một xăng ti mét. Chú đoán Allan đang lúc mò mẫm quanh ngôi nhà, bọn con trai vốn thế mà, thì phát hiện ra cánh cửa sổ này không đóng kín. Hẳn thằng bé đã vào qua đường đó, đẩy nó gần như đóng sập lại sau lưng rồi đi thám hiểm ngôi nhà. Làm thế nào đó mà thằng bé đã kéo cánh cửa phòng kho đóng kín lại và ổ khóa lò xo đã biến thằng bé thành tù nhân. Cửa sổ quá cao nên thằng bé không với tới được và cũng chẳng thể dựa vào đó mà thu hút sự chú ý. Trên bức tường trát vữa trắng của phòng kho chằng chịt vết cào cấu mà thằng bé đã để lại trong nỗ lực vô ích tiếp cận ô cửa sổ. Tất nhiên, thằng bé chắc chắn đã kêu la, nhưng nào có ai loanh quanh gần ngôi nhà đủ để nghe thấy tiếng nó. Các cháu biết đấy, ngôi nhà nằm trên cái vịnh nhỏ trống trải xung quanh chẳng có gì có thể làm chỗ ẩn nấp cho một đứa trẻ, vậy nên chắc hẳn đoàn người tìm kiếm không thèm để ý đến nó. Dù sao đi nữa, mãi đến tận ngày hôm qua họ mới tiến hành lùng sục quanh các bờ sông, vì nào có ai tưởng tượng nổi thằng bé lại một mình đi xuống chỗ đấy chứ, mà đến ngày hôm qua thì thằng bé đã chẳng còn kêu gọi cứu giúp được nữa rồi.”
“Cháu rất… vui mừng… vì đã tìm được cậu ấy,” Ilse nói, chớp chớp mắt ngăn những giọt lệ nhẹ nhõm.
Ông cụ Bradshaw đột nhiên ló đầu ra khỏi cánh cửa phòng khách.
“Ta đã nói với các người giữa thế kỷ 19 thì một đứa trẻ làm sao có thể mất tích được chứ,” ông cười cùng cục.
“Nhưng thằng bé đã bị mất tích rồi,” bác sĩ McIntyre nói, “và người ta sẽ chẳng thể nào tìm thấy nó… đúng lúc… nếu không nhờ cô gái này. Thật phi thường.”
“Emily là… cô đồng đấy ạ,” Ilse nói, dẫn lại lời thầy Carpenter.
“Cô đồng! Hừm! Chà, thật đáng tò mò… vô cùng. Chú không giả vờ hiểu chuyện đó đâu. Tất nhiên bà nội sẽ bảo đó là khả năng ngoại cảm. Thật ra, bà rất tin vấn đề này, y như hết thảy những người dân vùng cao nguyên Scotland vậy.”
“Ôi… cháu dám chắc cháu không có khả năng ngoại cảm đâu ạ,” Emily phản đối. “Hẳn là cháu đã mơ về chuyện đó… và ngồi dậy giữa lúc đang ngủ… nhưng, cháu không biết vẽ.”
“Vậy thì chắc hẳn thứ gì đó đã biến cháu trở thành công cụ rồi,” bác sĩ McIntyre nói. “Xét cho cùng, mỗi khi người ta buộc phải tin vào một điều không thể tin nổi thì cách giải thích của bà nội về khả năng ngoại cảm cũng hợp tình hợp lý y như bất kỳ vấn đề nào khác thôi.”
“Cháu thấy không nên nói về chuyện này nữa thì hơn,” Emily nói, không khỏi rùng mình một cái. “Cháu rất mừng vì Allan đã được tìm thấy… nhưng xin làm ơn đừng nhắc gì với mọi người về vai trò của cháu. Cứ để mọi người nghĩ rằng các chú chỉ tình cờ tìm kiếm bên trong ngôi nhà của gia đình Scobie. Cháu… cháu không thể chịu nổi nếu người ta bàn tán về chuyện này ở khắp mọi nơi.”
Khi hai cô gái từ biệt ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng trên ngọn đồi lộng gió, mặt trời đã phá tan màn mây và ở bến cảng, sóng đang điên cuồng nhảy múa. Khung cảnh thấm đẫm một vẻ đẹp hoang dã thường nở rộ mỗi khi bão tan, còn đường Tây trải dài trước mắt họ ngoằn ngoèo uốn lượn, thoai thoải đồi dốc, tắm trong màu đỏ ẩm ướt vô cùng quyến rũ, nhưng Emily quay người không hướng về phía nó.
“Tớ sẽ để dành nó lại cho chuyến đi tiếp theo,” cô nói. “Chẳng hiểu sao hôm nay tớ không thể đi chào hàng được. Bạn dấu yêu ơi, chúng mình đến cầu Malvern bắt chuyến tàu sáng tới Shrewsbury đi.”
“Giấc mơ của cậu… thật… thú vị khủng khiếp,” Ilse nói. “Nó làm tớ thấy hơi hơi sợ cậu, Emily ạ… chẳng hiểu sao nữa.”
“Ô, đừng sợ tớ,” Emily khẩn nài. “Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Tớ suy nghĩ về cậu bé ấy quá nhiều… trong khi ngày hôm qua, ngôi nhà ấy cứ ám ảnh tớ mãi…”
“Còn nhớ cậu đã phát hiện chuyện về mẹ tớ như thế nào không?” Ilse nói khẽ. “Cậu có một năng lực nào đó mà những người khác không có.”
“Có lẽ khi lớn lên tớ sẽ thoát khỏi nó,” Emily tuyệt vọng nói. “Tớ hy vọng thế… tớ không muốn có bất kỳ năng lực nào kiểu như thế đâu… cậu không hiểu được tâm trạng của tớ đâu, Ilse. Đối với tớ, nó dường như là một thứ kinh khủng… như thể tớ đã được nhào nặn bằng một cách huyền bí nào đó… tớ cảm thấy mình không phải là con người. Khi bác sĩ McIntyre nói về chuyện có thứ gì đó lấy tớ làm công cụ, tớ lạnh toát cả người. Tớ cảm thấy như trong lúc tớ đang ngủ, một trí óc khác đã chiếm giữ thể xác tớ và vẽ bức hình đó.”
“Đó là chữ viết của cậu mà,” Ilse nói.
“Ôi, tớ sẽ không nói về nó… hay nghĩ về nó nữa. Tớ sẽ quên chuyện này đi. Đừng bao giờ nhắc lại chuyện này với tớ nhé, Ilse.”
Chương 16: Củi rề
“Shrewsbury,
“3 tháng Mười, 19…
“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chào hàng ở khu vực được phân công… tôi đã lập được danh sách tất cả độc giả đặt báo… và tôi đã kiếm được gần đủ tiền trang trải cho chi phí mua sách trong cả năm học thứ hai. Khi nghe tôi thông báo tin này, bác Ruth không hề khịt mũi. Theo tôi thấy, đây đúng là một thực tế đáng được ghi lại.
“Hôm nay câu chuyện tôi viết, Cát thời gian, đã bị tạp chí Merton trả lại. Nhưng lá thư từ chối được viết tay chứ không phải đánh máy. Xét trên phương diện nào đó, chữ viết tay dường như không quá xúc phạm như chữ đánh máy.
“Chúng tôi đã đọc câu chuyện của bạn với sự thích thú, và rất tiếc phải nói rằng chúng tôi không thể đồng ý đăng tải nó tại thời điểm hiện tại.”
“Nếu ‘với sự thích thú’ mà họ nhắc đến đó là lời thật tâm thì đó quá là sự khích lệ nho nhỏ. Nhưng liệu có phải họ chỉ đang cố gắng xoa dịu cơn choáng váng không?
“Gần đây Ilse và tôi đã nhận được thông báo rằng Đầu lâu và Cú đang cần chín thành viên và chúng tôi đã được ghi tên trong danh sách những người có thể đăng ký làm thành viên. Thế là chúng tôi đăng ký. Ở trường, trở thành một Đầu lâu và Cú có thể được xem như một điều vô cùng tuyệt diệu.
“Năm học thứ hai giờ tràn ngập niềm vui thú, và tôi nhận thấy việc học hành rất thú vị. Thầy Hardy dạy chúng tôi một vài tiết, và tôi yêu quý thầy ấy hơn bất kỳ giáo viên nào khác, chỉ sau thầy Carpenter mà thôi. Thầy ấy rất hứng thú với bài tiểu luận của tôi, Người phụ nữ từng đét mông đức vua. Thầy cho nó điểm cao nhất và đặc biệt nhận xét về nó trong giờ phê bình trên lớp. Lẽ tất nhiên, Evelyn Blake chắc mẩm tôi đã sao chép bài luận từ chỗ nào đó, và cảm thấy chắc chắn cô ta đã đọc nó ở đâu đó từ trước rồi. Evelyn đang để tóc theo mốt hất ngược ra sau mới thịnh hành năm nay, và theo tôi thấy nó chẳng hợp với cô ta chút nào. Nhưng tất nhiên, trên cả cái bộ xương của Evelyn ấy, bộ phận duy nhất tôi có cảm tình chính là lưng của cô ta.
“Tôi biết rõ cánh nhà Martin đang điên lên vì tôi. Tuần vừa rồi, Sally Martin làm đám cưới ở nhà thờ Anh giáo tại đây, và biên tập viên tờ Thời đại đã đề nghị tôi viết tin về nó. Tất nhiên, tôi nhận nhiệm vụ… mặc dù tôi ghét đưa tin đám cưới. Đôi khi, có rất nhiều điều tôi thích nói mà lại chẳng được nói. Nhưng đám cưới của Sally khá đẹp và chị ấy cũng vậy, và theo tôi thấy tôi đã viết một bài điểm tin khá hay ho về đám cưới, đặc biệt còn nhắc đến bó hoa hồng kèm hoa lan xinh đẹp của cô dâu nữa… bó hoa cưới đầu tiên ở Shrewsbury được kết từ hoa lan. Tôi viết chữ rõ ràng không thua gì đánh máy và vì một lý do không thể bào chữa nào đó mà người đánh máy kém cỏi của tờ Thời đại đã biến ‘hoa lan’ thành cá mòi. Tất nhiên, chỉ cần có đầu óc một chút thôi thì ai mà chẳng hiểu đây thuần túy là lỗi in ấn. Nhưng nhà Martin lại nhất mực nhét vào trong đầu họ cái ý nghĩ phi lý rằng tôi đã chủ tâm viết cá mòi để bày ra một trò đùa xuẩn ngốc – bởi vì có vẻ như họ đã nghe nói tôi từng có lần tuyên bố tôi đã phát chán những bài điểm tin đám cưới viết theo lệ thường và chỉ muốn viết một bài khác biệt. Tôi đã nói như thế thật – nhưng dẫu có khát khao sự độc đáo sáng tạo thì tôi cũng làm gì có khả năng miêu tả cô dâu cầm một bó cá mòi chú! Ấy vậy mà, gia đình Martin lại nghĩ thế đấy, và Stella Martin không thèm mời tôi tham dự bữa tiệc may vá… còn bác Ruth nói bác ấy chẳng lấy gì làm lạ về chuyện đó… và bác Elizabeth bảo lẽ ra tôi không nên sơ suất thế. Tôi sao! Xin Chúa hãy ban cho con tính kiên nhẫn!”
“5 tháng Mười, 19…”
“Tối nay, bà Will Bradshaw đã đến thăm tôi. May mắn làm sao bác Ruth lại đi vắng… Tôi nói may mắn làm sao vì tôi không muốn bác Ruth phát hiện ra câu chuyện giấc mơ của tôi cũng như vai trò của nó trong việc tìm thấy bé Allan Bradshaw. Đây có thể coi là ‘tẩm ngẩm tầm ngầm’, theo cách nói của bác Ruth, nhưng dù ngấm ngầm hay không thì sự thực là tôi không thể chịu nổi việc bác Ruth khịt mũi rồi băn khoăn không hiểu rồi tra đi xét lại về sự cố đó.
“Bà Bradshaw đến cảm ơn tôi. Tôi thấy thật xấu hổ… vì, xét cho cùng, tôi thì có liên quan gì đến chuyện đó chứ? Tôi không hề muốn nghĩ cũng chẳng muốn nhắc đến nó. Bà Bradshaw nói hiện giờ bé Allan đã khỏe lại, mặc dù phải mất một tuần sau khi được tìm thấy cậu bé mới có thể ngồi dậy được. Bà ấy trông rất nhợt nhạt và sốt sắng.
“ ‘Thằng bé chắc hẳn đã bỏ mạng nếu cháu không xuất hiện, tiểu thư Starr ạ… và cô hẳn cũng đã chết rồi. Cô không thể tiếp tục sống… không biết… ôi, cô sẽ không bao giờ quên được những ngày kinh hoàng đó. Cô phải đến đây, cố gắng nói ra được một phần nhỏ nhoi lòng biết ơn của cô… buổi sáng hôm đó, lúc cô quay lại thì cháu đã đi mất rồi… cô có cảm giác mình rất thiếu lòng hiếu khách…’
“Bà ấy khóc òa lên… và tôi cũng vậy… vậy là chúng tôi cùng nhau gào thét ra trò. Tôi rất mừng và thầm cảm ơn trời đất vì Allan đã được tìm thấy, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ mong muốn nhớ lại cậu ấy đã được tìm thấy bằng cách nào.”
“Trăng Non
“7 tháng Mười, 19…
“Chiều nay tôi đã có một chuyến dạo chơi tha thẩn rất khoan khoái trong nghĩa địa ven hồ. Có lẽ mọi người sẽ cho rằng đây không hẳn là một chốn vui vẻ để ngao du buổi chiều muộn. Nhưng từ trước đến nay, tôi vẫn thích lang thang trên con dốc nhỏ sin sít những hàng bia mộ, thoai thoải hướng về phía Tây đó trong bầu không khí đượm chút u sầu giữa một buổi chiều mùa thu đẹp trời. Tôi thích đọc những cái tên khắc trên bia đá, để ý đến số tuổi của người quá cố, nghĩ đến hết thảy những yêu thương ghét bỏ, những hy vọng cùng sợ hãi đã bị chôn dưới đó. Nó thật đẹp xiết bao… lại không hề buồn. Và bao phủ tứ bề là những cánh đồng mới cày xong đang ngời lên sắc đỏ, những bìa rừng dương xỉ bị sương giá phủ mờ, cùng với đó là hết thảy những sự vật quen thuộc vốn từ lâu đã chiếm giữ trái tim tôi… và dường như tôi càng trưởng thành thì tình yêu ấy trong tôi cũng càng ngày càng lớn. Cứ đến cuối tuần, khi tôi trở lại mái ấm Trăng Non, những sự vật này dường như lại càng trở nên thân thương với tôi hơn… càng lúc càng trở thành một phần máu thịt trong tôi. Tôi yêu sự vật cũng sâu sắc ngang với yêu con người. Tôi nghĩ bác Elizabeth cũng vậy. Chính bởi thế bác ấy mới không cho thay đổi bất cứ thứ gì ở Trăng Non. Tôi đang bắt đầu hiểu rõ bác ấy hơn. Giờ thì tôi tin rằng bác ấy cũng yêu quý tôi. Thoạt đầu, tôi chỉ là một nghĩa vụ, nhưng bây giờ, tôi còn hơn thế nhiều.
“Tôi lưu lại trong nghĩa địa cho tới tận khi ánh chạng vạng vàng đục buông xuống, khiến nơi này chìm trong thứ ánh sáng mờ mờ nhạt nhạt đầy ma quái. Sau khi đó Teddy đến gặp tôi và chúng tôi cùng nhau đi bộ lên cánh đồng, băng qua đường Ngày Mai. Bây giờ thì thật ra nó đường Hôm Nay mới phải, vì cây cối dọc đường đã vượt quá đầu chúng tôi rồi, nhưng chúng tôi vẫn gọi nó là đường Ngày Mai… một phần do thói quen và một phần cũng bởi vì trên con đường đó, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều về những ngày mai của chúng tôi và về những điều chúng tôi hy vọng sẽ làm được trong tương lai đó. Chẳng hiểu tại sao, Teddy là người duy nhất tôi muốn trò chuyện về ngày mai cũng như về những tham vọng của tôi. Không có bất kỳ ai khác nữa. Perry thường hay giễu cợt những đam mê văn chương của tôi. Khi tôi nhắc đến chuyện gì đó liên quan tới việc viết sách, cậu ta bảo, ‘Cái thứ đó thì có gì hay ho cơ chứ!’ Và tất nhiên nếu người nào không thể tự mình nhìn thấy được ‘sự hay ho’ thì ta làm sao có thể giải thích được cho người đó hiểu về nó chứ. Thậm chí tôi chẳng thể nói với chú Dean những chuyện này… không còn nói được nữa kể từ sau một buổi tối, chú ấy nói bằng giọng vô cùng cay đắng, ‘Ta ghét nghe đến những ngày mai của cháu… chúng không thể là những ngày mai của ta được.’ Tôi cho là theo một cách nào đó, chú Dean không muốn nghĩ đến chuyện tôi ngày một trưởng thành… tôi cho là chú ấy có một chút ghen tuông quen thuộc của nhà Priest khi phải chia sẻ bất cứ thứ gì, đặc biệt là tình bạn, với bất kỳ ai khác… hay với cả thế giới. Tôi cảm thấy thật cô độc. Chẳng hiểu sao, dạo gần đây tôi luôn có cảm giác chú Dean không còn bất kỳ hứng thú nào với những tham vọng viết lách của tôi nữa. Thậm chí, tôi mơ hồ nhận thấy chú ấy còn hơi nhạo báng chúng nữa. Chẳng hạn, thầy Carpenter rất thích bài luận Người phụ nữ từng đét mông đức vua của tôi, và bảo với tôi rằng bài viết rất xuất sắc; ấy vậy nhưng khi chú Dean đọc nó thì chú ấy lại mỉm cười rồi bảo, ‘Xét tiêu chuẩn của một bài tiểu luận ở trường thì nó rất hay, nhưng…’ rồi chú ấy lại mỉm cười. Đó không phải kiểu cười tôi thích. Nó ‘hàm chứa quá nhiều chất Priest’, như cách nói của bác Elizabeth. Tôi đã cảm thấy – và vẫn đang cảm thấy – thất vọng khủng khiếp đối với nó. Nụ cười mỉm ấy dường như muốn nói, ‘Cháu có thể viết nhăng viết cuội cho vui, cháu yêu quý, và tài đảo câu cũng kha khá đấy; nhưng ta sẽ thành kẻ độc ác nếu cứ để mặc cháu tưởng rằng một chút tài vặt như thế lại có thể đánh đồng được với tài năng vĩ đại.’ Nếu quả thực như vậy… và rất có khả năng chuyện thực sự như vậy lắm, vì chú Dean vốn là người sáng suốt và rất hiểu biết… vậy thì tôi sẽ chẳng bao giờ đạt được bất cứ chuyện gì nên hồn. Tôi sẽ không cố tìm cách đạt được bất cứ thứ gì. Tôi sẽ không làm một kẻ ‘viết nhăng viết cuội hay ho’ tầm thường.
“Nhưng với Teddy thì khác.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian